Rồng trong phong thủy và sản phẩm gốm sứ
Từ hàng nghìn năm qua, hình ảnh của rồng luôn hiện diện trong các nên văn hóa từ Đông sang Tây. Ở phương Đông ta, rồng tượng trưng cho quyền uy tối thượng, cho vẻ đẹp sang trọng và dũng mãnh, luôn được ưa chuộng trong bài trí nhà cửa, vật phẩm phong thủy và cả đồ thờ cúng của mỗi gia đình.
Rồng trong văn hóa cổ truyền
Trong văn hóa của cả phương Đông và phương Tây, rồng đều là loài vật biểu trưng cho sức mạnh, gắn liền với nhiều truyền thuyết có ở mọi nền văn hóa.
Ở phương Tây, rồng thường được coi là loài vật hung dữ với hình dạng như một con thằn lằn khổng lồ và đôi cánh tựa như cánh dơi, đa số có thể phun lửa và thiêu rụi mọi thứ nó đi qua. Loài rồng như vậy có lẽ xuất phát từ hình dạng của những loài khủng long ăn thịt khi người phương Tây ở những thế kỷ trước bắt đầu khai quật được những hóa thạch đầu tiên của loài bò sát cổ đại này. Vì vậy, mặc dù cho tới tận ngày nay rồng vẫn được người phương Tây yêu thích và thể hiện trong nhiều tác phẩm nghệ thuật cổ điển cũng như hiện đại, nhưng chúng thường được coi là con vật đáng sợ, mang theo tai họa.
Trong khi đó, văn hóa phương Đông của chúng ta ghi nhận một hình ảnh hoàn toàn khác về loài rồng. Rồng của phương Đông mang một hình ảnh mềm mại như một con rắn uốn lượn trên mây với cơ thể mang vảy cá, sừng hươu, móng chim ưng, bờm sư tử, ….
Riêng ở Việt Nam, hình tượng của rồng còn biến đổi theo từng thời kỳ. Vào thời Lý, rồng uốn lượn với thân mình mỏng và uốn lượn nhiều hơn tượng trưng cho mong muốn về đất nước bình yên, hài hòa. Tới thời Trần, rồng vẫn giữ vẻ mềm mại truyền thống nhưng dáng vẻ trở nên chắc khỏe, mạnh mẽ hơn thể hiện sức mạnh và tinh thần không thể đánh bại của một giai đoạn lịch sử chống ngoại xâm hào hùng bậc nhất của tiền nhân.
Rồng phương Đông không chỉ tượng trưng cho sức mạnh thuần túy mà còn là biểu tượng của trí tuệ, của sự thịnh vượng. Trong tứ linh Long-Lân-Quy-Phượng thì rồng (Long) là linh thú đứng đầu mang long khí có thể chi phối trời đất. Người phương Đông từ Việt Nam ta cho tới Trung Quốc, Nhật Bản, … từ xưa đã tin rằng long khí của rồng có thể mang lại sức khỏe, trí tuệ cùng với uy quyền và sự giàu sang cho người nào may mắn nhận được, có thể bảo vệ và che chở mọi người khỏi mọi tai họa, cũng có thể tạo ra mưa gió để điều hòa thời tiết. Chính vì vậy, rồng luôn được coi là tượng trưng cho thiên tử trong suốt lịch sử phong kiến phương Đông. Còn trong thời đại ngày nay, hình tượng vừa oai phong vừa hài hòa của rồng vẫn được sử dụng trong vô vàn lễ nghi và đồ dùng hàng ngày.
Rồng trong họa tiết gốm sứ
Ý nghĩa đặc biệt cùng tạo hình độc đáo của rồng khiến linh thú này vô cùng được ưa chuộng trong các sản phẩm mỹ nghệ. Riêng đối với các sản phẩm gốm sứ, đã từ rất lâu, hình ảnh của rồng thường xuyên xuất hiện ở những chiếc bát hương trên những ban thờ thần linh, gia tiên. Rồng còn xuất hiện cả trên nhiều bình hoa và các vật phẩm gốm sứ mang đặc trưng phong thủy khác.
Khác với tượng rồng, tranh rồng được thể hiện trên gỗ, đá và nhiều vật liệu khác, rồng trên tác phẩm gốm sứ mang thần thái quý phái, linh thiêng hơn bởi ánh men luôn mang lại cảm giác trong lành, tươi sáng xứng đáng với long khí của rồng.
Để có được một họa tiết rồng đẹp đẽ và có hồn, các nghệ nhân cần phối hợp nhịp nhàng từ khi thiết kế, tạo hình cho tới khi lên màu sản phẩm. Rồng trong văn hóa phương Đông có hình dạng phức tạp, chỉ vẽ sơ qua thì tưởng như đơn giản, nhưng để tạo nên một bức tranh hoàn mỹ thì là cả một quá trình cực kỳ công phu. Người họa sĩ phải làm sao thể hiện được từng miếng vảy, từng sợi râu, từng chỗ lượn sóng của thân mình một cách thật hài hòa, tiếp đó là đôi mắt sao cho toát lên được cái thần thái uy nghiêm, mạnh mẽ nhưng không chút hung bạo. Sau khi phác họa, tô màu thì cuối cùng là nước men. Nước men sáng, bóng mang những gam màu tươi mới của Cương Duyên khiến cho bức họa trở nên sinh động và chứa đựng vẻ đẹp quý phái, lịch lãm mà những chất men thông dụng khó có được.
Họa tiết rồng được vẽ tay thủ công tại xưởng gốm.
Lựa chọn sản phẩm gốm sứ mang hình rồng
Có người cho rằng rồng mang sức mạnh bá quyền và cao ngạo, làm mất đi vẻ đẹp khiêm nhường của người Việt ta. Nhưng kỳ thực không phải vậy. Vẻ đẹp của rồng, nhất là rồng Việt Nam do cha ông ta mô phỏng nhiều đời nay, tuy mang nét uy quyền và mạnh mẽ nhưng không hề quá phô trương, hung bạo.
Hình rồng đặt trên ban thờ thể hiện sự tôn kính tối cao dành cho các bậc thần linh, gia tiên. Khi để trong văn phòng hay nhà ở, rồng lại thể hiện trí tuệ và sự hào phóng của gia chủ.
Rồng trên bát hương và đồ thờ cũng tựa như có long khí đang tuôn chảy từ ông bà, tổ tiên về bao bọc cho con cháu. Rồng trên chiếc bình hoa cắm cành đào ngày xuân giống như đang mang lại hơi thở ấm áp cho một năm mới đầy kỳ vọng.
Nhà mở cửa về hướng tốt, rồng hướng ra cửa là để đón phúc khí, mang năng lượng sống cho cả căn nhà. Nếu nhà mở về hướng xấu, long khí của rồng có thể trung hòa và bảo vệ căn nhà tránh khỏi nhiều điều không lành.
Một số tác phẩm gốm sứ mang họa tiết hình rồng.